Đa dạng sinh học

Phá rừng và biến đổi khí hậu đe dọa nhiều loài chim đặc hữu của Philippines

Bạn đang xem bài viết trên Yeuthiennhien.club


Chỉ trong thập kỷ qua, Philippines có tới 86 loài chim đặc hữu mới được mô tả, nhiều hơn tất cả các loài chim đặc hữu từng được ghi nhận ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, 594 loài chim hiện được biết đến của đảo quốc này đang nhanh chóng biến mất, trong số này có tới 258 loài là đặc hữu.

Gần 1/6 loài chim ở Philippines được coi là bị đe dọa trong Sách Đỏ IUCN và hơn 43% (40 loài) trong số này được liệt kê có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp. Philippines có số lượng các loài chim bị đe dọa đứng thứ 8 trên toàn cầu, bao gồm các loài chim thuộc họ Hồng Hoàng (hornbills), cú mèo (true owls), đớp ruồi (Old World flycatchers) và chim bồ câu quý hiếm (rare pigeons). Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy số lượng loài chim gặp rủi ro nhiều hơn chúng ta tưởng.

Các nhà sinh vật học tại Đại học Utah đã đánh giá kỹ tình trạng Sách Đỏ 446 loài chim cư trú của Philippines bằng cách phân tích dữ liệu được tổng hợp từ các chuyến thực địa, nghiên cứu được đánh giá ngang hàng, sách điểu học, hướng dẫn thực địa và dữ liệu từ Tổ chức BirdLife International. Nhóm phát hiện ra 84 loài có nguy cơ cao hơn so với tình trạng hiện tại trong Sách Đỏ, trong đó 14 loài trong tình trạng bị đe dọa trên toàn cầu, từ dễ bị đe dọa đến cực kỳ nguy cấp.

Nghiên cứu cũng xem xét ảnh hưởng của một loạt các đặc điểm sinh thái, địa sinh vật học và lịch sử sự sống đối với nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim. Kết quả chỉ ra rằng tính đặc hữu, phạm vi độ cao hẹp hơn, tính phụ thuộc vào rừng cao và kích thước cơ thể lớn hơn làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của một loài.

“Có một nhu cầu cấp thiết là phải đánh giá những đặc điểm nào khiến một số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn những loài khác và sử dụng sự hiểu biết này để cung cấp thông tin cho các nỗ lực bảo tồn”, Kyle Kittelberger, tác giả chính nghiên cứu cho biết.

Trong số những phát hiện của nhóm thì loài chim hồng hoàng Luzon (Penelopides manillae), loài chim thuộc họ Accipitridae (Spilornis holospilus) và một loài chim hồng hoàng (Rhabdotorrhinus leucocephalus) đảm bảo mức độ phân loại cao tương ứng với tình trạng dễ bị tổn thương, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Trong đó, các tác giả cho biết hai loài sau nên được bảo tồn trọng điểm. Ngoài ra, các loài chim Polyplectron napoleonis, Gallirallus calayanensisBubo philippensis cũng yêu cầu phân loại lại từ tình trạng sắp nguy cấp thành nguy cấp.

Pithecophaga jefferyi là loài cực kỳ nguy cấp và bị suy giảm quần thể nhanh chóng trong 60 năm qua, phần lớn do nạn phá rừng trên diện rộng. Ảnh: Sinisa Djordje Majetic/Creative Commons (CC BY 2.0)

Çağan Şekercioğlu, Phó Giáo sư sinh học tại Đại học Utah nói rằng việc theo dõi tình trạng bảo tồn của các loài bằng cách cập nhật Sách Đỏ IUCN là vô cùng quan trọng để các nguồn lực và ngân sách hạn chế dành cho việc bảo tồn có thể được phân bổ một cách hiệu quả. Với gần 600 loài chim ở Philippines, 258 loài trong số đó là loài đặc hữu, việc ưu tiên là cần thiết.

Trên toàn cầu, hơn 1/8 loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. Báo cáo “Tình trạng các loài chim trên thế giới” năm 2018 của BirdLife International cho thấy việc mở rộng và thâm canh nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài chim trên toàn thế giới, tác động đến hơn 70% các loài bị đe dọa. Các mối nguy hiểm khác bao gồm khai thác gỗ, ảnh hưởng đến một nửa số loài chim bị đe dọa trên toàn cầu; các loài ngoại lai xâm hại, tác động tới gần 40% loài chim; săn bắt và bẫy, ảnh hưởng đến hơn 1/3 loài chim.

Ở Philippines, số lượng loài chim bị đe dọa vượt mức trung bình toàn cầu nhưng nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm khá nhất quán. Gần 90% các loài chim của Philippines sống ở các vùng đất thấp và hơn 70% sống phụ thuộc vào rừng. Phá rừng để lấy gỗ và nông nghiệp đã tàn phá độ che phủ của rừng ở vùng đất thấp trong những năm gần đây. Theo Global Forest Watch, từ năm 2001 đến năm 2020, quốc gia này mất tới 152.000 ha rừng nguyên sinh, tương đương độ che phủ giảm hơn 3% trong 19 năm. Theo các tác giả, nếu các mô hình mất môi trường sống tiếp tục, số lượng các loài chim bị đe dọa nhiều khả năng sẽ tăng lên. Trong đó, các loài lớn hơn gặp nhiều rủi ro hơn do lịch sử sống chậm và khả năng phục hồi cũng chậm hơn sau những xáo trộn. Chúng cũng dễ trở thành mục tiêu bị săn bắn và buôn bán hơn. Ở Philippines, các loài được nhắm mục tiêu bao gồm Penelopides panini, Cacatua haematuropygia, Tanygnathus lucionensis  và loài Philippine serpent eagle.

Các loài đặc hữu sống về đêm như chim Batrachostomus septimus đặc biệt dễ bị tổn thương do mất môi trường sống và sinh cảnh bị chia cắt (Ảnh: Çağan Şekercioğlu)

Trong khi mối đe dọa từ nạn phá rừng là điều khiến hầu hết các loài gặp nguy hiểm thì biến đổi khí hậu là một mối đe dọa mới nổi và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các loài đặc hữu. Şekercioğlu nói rằng các khu rừng trên núi vốn được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của con người do không thể tiếp cận và địa hình dốc hiện đang phải chống chọi với biến đổi khí hậu. Khi thực vật rừng và cây cối chuyển sang phân bố ở độ cao cao hơn để đối phó với sự nóng lên thì các loài chim sống phụ thuộc vào chúng cũng phải bắt kịp tốc độ. Chu kỳ này có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài đặc hữu trên đảo.

Các nhà quản lý bảo tồn đang nỗ lực bảo vệ những loài quý hiếm nhưng họ phải đối mặt với thách thức trong việc lập kế hoạch có tính đến biến đổi khí hậu. Şekercioğlu nói: “Lý tưởng nhất là bạn nên có rừng từ rừng ngập mặn ven biển đến các đỉnh núi để cho phép các loài, đặc biệt là các loài đặc hữu có thể di chuyển lên các độ cao cao hơn hoặc các địa điểm mới khi khí hậu thay đổi khiến môi trường sống của chúng không còn phù hợp”. Ông khẳng định bảo vệ môi trường sống của các loài bằng cách nhận ra giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái do đa dạng sinh học cung cấp là một khởi đầu tốt.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hay nhé!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết được đề cử
Close
Back to top button