Động vật đó đâyThiên nhiên kỳ thú

Khám phá thế giới động vật: Những điều thú vị về rắn

Ngửi bằng lưỡi, sở hữu răng nhưng không nhai, khả năng bay trong không khí là một trong những điều thú vị về loài rắn.

Khoảng 3.000 loài rắn đang tồn tại trên hành tinh, trong đó khoảng 450 loài có độc. 250 loài rắn có nọc độc đủ mạnh để có thể giết người.

Loài rắn

Rắn lớn nhất là rắn anaconda (thường gọi là mãng xà) dài tới 12,3m, còn rắn nhỏ nhất là rắn mù bà –la-môn (brahminy blind snake) chỉ dài có 0,9cm.

Rắn có 2 phổi, gan dài như cái que, thận và ruột đều dài. Một phần tư loài rắn có hậu môn nhỏ, có vẩy che và đuôi là một đoạn xương.

Khứu giác là giác quan nhạy nhất của rắn. Chúng ngửi bằng lưỡi. Nhờ chiếc lưỡi có hình dạng giống cái nĩa, rắn có thể xác định hướng của mùi. Tuy không có khả năng nghe nhưng rắn có thể cảm nhận rung động âm thanh. Thị lực của rắn rất kém.

Loài rắn vi-pe và trăn có cơ quan cảm nhiệt ở trên đầu, giúp chúng nhận ra sự thay đổi nhiệt độ tới 0,002 độ C, khiến chúng có khả năng săn mồi không cần nhìn, cả trong đêm tối. Tất cả các loài rắn đều bơi giỏi. Rắn biển tuy không có mang và cũng ít khi nổi lên mặt nước. Chúng dùng oxy hoà tan trong nước để thở.

Phần lớn rắn có răng, với hai hàng ở hàm trên và hai hàng ở hàm dưới. Nhưng rắn không nhai vì các răng đều quặp vào trong. Những chiếc răng này cắn và giữ mồi rất chặt. Chỉ những loài rắn độc mới có răng nanh.

Xương hàm dưới của rắn rất linh hoạt. Hai hàm của đa số loài rắn nối thẳng vào sọ, cho phép chúng tăng kích cỡ miệng để nuốt những con mồi to hơn đường kính thân của chúng. Một con rắn có thể nuốt con mồi có chiều rộng gấp 4 lần chiều rộng đầu của nó.

Một con rắn đuôi chuông.
Một con rắn đuôi chuông. (Ảnh: Yeudongvat.org).

Thường rắn đẻ mỗi năm một lần. Nhiều loài rắn sinh sản bằng cách đẻ trứng. Vài loài giữ trứng đã được thụ tinh trong cơ thể tới khi chúng nở thành con rồi đẻ. Rắn thường chọn nơi ấm để đẻ trứng. Rắn con dùng răng cắn vỡ vỏ trứng để chui ra. Rắn bố mẹ mặc cho rắn con tự sống. Riêng hổ mang chúa làm tổ và chăm sóc trứng.

Rắn biển cái chỉ cần giao hợp một lần rồi tích lũy lượng tinh trùng đủ lớn để dùng dần trong 10 năm sau đó.

Tim rắn có thể trượt từ 1 đến 1,5 lần ra khỏi vị trí bình thường để con mồi có thể lọt vào dạ dày, vì có một túi bao quanh tim.

Rắn chuyển động bằng cách co và giãn các cơ dọc theo thân. Chúng di chuyển không nhanh, chừng 12 km/h nên không đuổi kịp được người.

Một số loài rắn có khả năng phóng hoặc bay tới hơn 13m trong không khí. Trong quá trình phóng/bay, thân của rắn uốn thành hình chữ S. Phần lớn rắn bay thuộc chi Chrysopelea.

Rắn bay

Rắn không có mi mắt. Thay thế cho mi là chiếc vẩy trong suốt bảo vệ da. Rắn ngủ mở mắt và cuộn tròn thân lại. Nếu ăn no, rắn có thể ngủ cả ngày, thậm chí cả tuần. Mùa đông rắn ngủ hàng tháng trời.

Nọc độc của rắn được tạo nên bởi nhiều enzyme và protein. Nó có thể là độc tố thần kinh hoặc độc tố máu. Khi lọt vào cơ thể động vật, chất độc của rắn lan truyền nhanh chóng và phá hủy hệ thần kinh hoặc hệ tuần hoàn. Rắn hổ mang chúa có thể giết chết voi bằng một nhát cắn.

Phần lớn rắn phóng chất độc khi cắn. Song một số loài, như rắn hổ mang bành, có thể phóng nọc độc tới vị trí cách chúng 1,5 tới hơn 2m.

Rắn độc chứa chất độc trong các tuyến nằm gần mắt. Chất độc mà rắn phóng ra không gây tổn thương da, song có thể trở nên nguy hiểm với mắt và những vết thương hở.

Số người chết vì rắn cắn mỗi năm lên tới 100.000 người.
 

khoahoctv Tổng hợp

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết được đề cử
Close
Back to top button