Biến đổi khí hậu và bảo tồn

Hàng trăm triệu người ở Mỹ Latinh và Caribe bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Bạn đang xem bài viết trên Yeuthiennhien.club


Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố một báo cáo mới cho thấy, 312.000 người ở Mỹ Latinh và Caribe (LAC) đã thiệt mạng và hơn 277 triệu người ở khu vực này bị ảnh hưởng do các hiện tượng liên quan đến khí hậu và địa vật lý.

Cộng đồng ở Nicaragua bị tàn phá sau cơn bão Iota đổ bộ năm 2020. Ảnh: UNICEF/Gema Espinoza Delgado

Theo đó, thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn bộ khu vực Mỹ Latinh và Caribe, từ đỉnh núi Andean đến các đảo trũng thấp và các lưu vực sông hùng vĩ. Nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi, bão và các sông băng rút đi đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn của con người, lương thực, nguồn nước, an ninh năng lượng và môi trường.

Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO nhận định, Mỹ Latinh và Caribe là một trong những khu vực chịu nhiều thách thức nhất bởi các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.

Tác động sâu rộng và lâu dài

Theo ông Taalas, biến đổi khí hậu gây tác động đáng kể, trong đó phải kể đến tình trạng thiếu nước và năng lượng liên quan, thiệt hại về nông nghiệp, sức khỏe… cùng với tất cả những thách thức từ đại dịch COVID-19. Báo cáo cũng đề cập đến mối lo ngại về hỏa hoạn và mất rừng. Cụ thể, gần 50% diện tích của vùng LAC được bao phủ bởi rừng, chiếm khoảng 57% diện tích rừng nguyên sinh còn lại của thế giới và lưu trữ khoảng 104 gigatons carbon. “Hỏa hoạn và phá rừng đang đe dọa một trong những bể chứa carbon lớn nhất thế giới, với những tác động sâu rộng và lâu dài”, Tổng Thư ký WMO cảnh báo.

Khu vực núi Chacaltaya của Bolivia, từng là một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhưng các sông băng đã tan chảy trong những thập kỷ qua. Ảnh: World Bank/Stephan Bachenheimer

Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất ở Trung Mỹ và Caribe, cũng là năm nóng thứ 2 ở Nam Mỹ. Tại một số trạm, nhiệt độ tối đa cho thấy chỉ số cao vượt mức kỷ lục, với mức nhiệt cao hơn bình thường đến 10 độ C.

Theo báo cáo, hạn hán hoành hành trên diện rộng mở khắp châu Mỹ Latinh và Caribe gây ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm mực nước sông giảm mạnh, cản trở các tuyến đường vận chuyển nội địa, đồng thời, làm giảm năng suất cây trồng và sản lượng lương thực, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn ở nhiều khu vực.

Benson Etienne, 15 tuổi và gia đình đã kịp chạy ra ngoài trước khi ngôi nhà của họ bị sập trong trận bão Marsh Harbour, ở Đảo Abaco, Bahamas. Ảnh: UNICEF/Moreno Gonza

Bên cạnh đó, mất rừng thải ra khí CO2 là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Theo số liệu thực tế từ năm 2000 đến năm 2016, gần 55 triệu ha rừng đã biến mất, chiếm hơn 91% diện tích rừng bị mất trên toàn thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ cháy rừng gia tăng trong năm 2020, đã gây ra những thiệt hại không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái, trong đó, có các ảnh hưởng tiêu cực đến các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng và sinh kế phụ thuộc vào đó.

Mối đe dọa do mực nước biển dâng cao

Năm 2020, nhiệt độ trên mặt biển Caribe tăng đến mức cao kỷ lục và theo báo cáo, các sinh vật biển, hệ sinh thái ven biển và người dân sống phụ thuộc vào đó đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng do axit hóa đại dương, nhiệt độ và mực nước biển dâng cao.

Trạm Không quân Cảnh sát biển Mỹ Clearwater, Florida, ứng phó với sự tàn phá sau cơn bão Dorian ở Bahamas. Ảnh: US Coast Guard Southeast

Ở Mỹ Latinh và Caribe, hơn 27% dân số sống ở các khu vực ven biển, với khoảng 6-8% sống ở các khu vực có nguy cơ cao hoặc rất cao bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa ven biển.

Cùng với đó, các sông băng đã tan chảy trong những thập kỷ qua, tình trạng tan băng tăng mạnh kể từ năm 2010. Khu vực này cũng xảy ra sự gia tăng nhiệt độ theo mùa và giảm đáng kể lượng mưa hàng năm.

Cần tăng cường hỗ trợ tài chính

Báo cáo nhấn mạnh, cần cam kết chính trị mạnh mẽ hơn và tăng cường hỗ trợ tài chính hơn nữa để phát triển hệ thống cảnh báo sớm và vận hành các dịch vụ thời tiết, khí hậu và thủy văn, như những cách hỗ trợ quản lý rủi ro và thích ứng.

Mặc dù các hệ thống cảnh báo sớm có thể giảm thiểu rủi ro thiên tai và tác động của thảm họa, nhưng nghiên cứu của WMO cho thấy, chúng còn kém phát triển ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đặc biệt là ở Trung và Nam Mỹ.

Việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái carbon xanh hiện có như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và đầm lầy muối biển được cho là cơ hội lớn để giảm thiểu và thích ứng với sự nóng lên toàn cầu. Trong đó, rừng ngập mặn được đánh giá một nguồn tài nguyên đặc biệt để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, với khả năng lưu trữ carbon gấp 3 đến 4 lần so với hầu hết các khu rừng trên hành tinh. Tuy vậy, diện tích rừng ngập mặn trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã giảm 20% trong giai đoạn 2001-2018.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hay nhé!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button