Thiên nhiên kỳ thú

Cạp nong – Cạp nia con nào độc hơn?

Trước đây, bây giờ và cho đến hàng thế kỉ sau người Việt vẫn sẽ luôn hỏi câu này.

Nếu đơn giản bạn cần câu trả lời ngắn gọn, thì “Cạp nia độc hơn Cạp nong” là đáp án cho bạn.
Còn nếu bạn muốn hiểu sâu hơn, vì sao lại thế, bản chất của sự so sánh này… Ok chúng ta bắt đầu thôi. Let’s go!

THẾ NÀO LÀ ĐỘC HƠN?

Để đánh giá và so sánh mức độ nguy hiểm của các loài rắn, ta dựa vào những tiêu chí khác nhau như lượng nọc độc tiết ra (nhiều hay ít), cấu tạo nanh (khả năng bơm nọc vào vật bị cắn), độ phổ biến (tỉ lệ giáp mặt của từng loài rắn với người) v.v… Mỗi tiêu chí sẽ có một bảng xếp hạng khác nhau, ví dụ ngắn gọn Hổ chúa có lượng nọc độc nhiều kinh khủng, đứng đầu về tiêu chí nguy hiểm “lượng nọc độc” nhưng lại xếp hạng xa lắc lơ, thua mấy con hổ đất, hổ mèo ở tiêu chí “phổ biến”, hàng năm số lượng ca bị rắn hổ chúa cắn ít hơn rất nhiều hổ mang.

Hôm nay chúng ta chỉ nói đến CHẤT LƯỢNG NỌC ĐỘC, chính xác hơn là bảng xếp hạng LIỀU GÂY CHẾT TRUNG BÌNH (LD50, Lethal dose 50%). Đây chính là bảng xếp hạng rắn độc nhất thế giới, thứ nhì hành tinh mà các bạn hay xem trên tivi Thế giới động vật, youtube các kiểu đấy. Ngắn gọn, đây là liều nọc cần thiết để giết chết 50% số động vật bị tiêm nọc thí nghiệm, tùy vị trí như tiêm tĩnh mạch (IV), tiêm dưới da, tiêm màng bụng, tiêm cơ bắp. Trong đó tiêm tĩnh mạch hay được mang ra nói chuyện nhất. Cùng xem chỉ số LD50 của cạp nong cạp nia nhé.

Rắn cạp nia nam: IV=0.04mg/kg. Nghĩa là cần tiêm 0.04mg nọc con này vào 1kg chuột bạch thì sẽ chết 0.5kg chuột bạch.
Trong khi đó rắn cạp nia bắc: IV=0.071mg/kg
Còn rắn cạp nong: IV=0.17mg/kg

Qua chỉ số này bạn đã đánh giá được loài nào độc hơn chưa?

RẮN CẠP NONG CẠP NIA THẬT RA LÀ CON GÌ?

Đây là những loài rắn họ rắn hổ Elapidae, thuộc chi Bungarus. Cạp nong cạp nia không phải là 2 loài rắn khác hẳn nhau theo phương diện khoa học cũng như quan niệm dân gian. Ở Việt Nam chúng ta cứ mặc định rắn khoang đen vàng là cạp nong, khoang đen trắng là cạp nia, trong khi đó thực tế VN có đến vài loài cạp nia màu đen trắng, đó là lí do tôi đưa cạp nia bắc (dải màu trắng mảnh và mật độ nhiều hơn) cạp nia nam (dải màu trắng đen dầy hơn), và chúng đều thuộc chi Bungarus mà chúng ta gọi là chi cạp nia, hay nói chính xác hơn: RẮN CẠP NONG CHÍNH LÀ MỘT LOÀI RẮN CẠP NIA CÓ MÀU VÀNG mà thôi.
Rồi chuyện người ta nhầm ngược lại 2 cái màu này, rồi nhầm loài này sang loài khác tôi sẽ không nói lại nữa, có hàng chục loài có dải màu đen trắng, đen vàng nhưng nhìn khác hẳn mà cũng nhầm lẫn lộn thì chịu.
Có cả tá loài trong chi Bungarus như cạp nong đầu đỏ, rồi thì common Krait v.v… có màu sắc không phải đen vàng, đen trắng rõ rệt như 3 loài đặc hữu của Việt Nam kể trên, các bạn cứ tìm hiểu dần đi :))

DANH PHÁP KHOA HỌC

Tôi sẽ dành hẳn một bài để chia sẻ những gì mình biết về khái niệm tuy cơ bản nhưng vẫn còn xa lạ với đại đa số người Việt chúng ta.
Còn hôm nay các bạn chỉ cần nhớ duy nhất một điều: Danh pháp khoa học là cái tên duy nhất để gọi tên một loài động/thực vật, và nó là tiếng Latin. Một loài chỉ có duy nhất một cái tên khoa học, không thể nhầm lẫn, nhưng lại có đến 2 3 tên tiếng Anh và hàng chục cái tên tiếng Việt lằng nhằng theo địa phương nữa.
Ví dụ luôn nhé (Tên khoa học – Tên tiếng Anh – Tên tiếng Việt)

-Bungarus candidus – Blue Krait – Rắn cạp nia nam, rắn 2 bước, rắn đen trắng
-Bungarus multicinctus – Many Banded Krait – Rắn cạp nia bắc
-Bungarus fasciatus – Banded Krait – Rắn cạp nong, rắn mái gầm, rắn 3 bước v.v….
-Hay một loài lộn xộn phổ biến hơn:
Ptyas mucosa – Common Rat Snake, Oriental Rat Snake, Indian Rat Snake – Rắn ráo trâu, rắn long thừa, rắn hổ vện v.v… Thú vị chưa :))

Và danh pháp khoa học liên quan gì đến vấn đề chúng ta tìm hiểu?

Đơn giản thôi, muốn tìm hiểu bản chất bất cứ loài vật nào, tôi sẽ giúp bạn tìm ra tên khoa học của nó và bạn dựa vào đó để tra cứu thông tin, còn bất cứ cái tên tiếng Việt nào cũng chỉ dùng để gọi với nhau, không có giá trị tra cứu chuẩn mực. Bạn sẽ không thể nhầm lẫn cạp nong cạp nia , rắn ráo trâu hay hổ trâu, rắn cườm hay lục cườm nữa.

Trên đây là những phân tích dựa trên kinh nghiệm cá nhân có dẫn chứng. Mọi câu hỏi xin để lại phía dưới phần bình luận. Chân thành cám ơn!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button