Biến đổi khí hậu và bảo tồn

Lập bản đồ các mối đe dọa động vật có vú trên cạn, động vật lưỡng cư và chim – YeuThienNhien.Club

Một nghiên cứu gần đây sử dụng dữ liệu từ Sách đỏ IUCN về các loài có nguy cơ tuyệt chủng để lập bản đồ về những nơi xảy ra các mối đe dọa đối với động vật có vú trên cạn, các loài chim và lưỡng cư ở quy mô toàn cầu.

Nghiên cứu được công bố trên Nature Ecology & Evolution và do hai tác giả – Mike Harfoot, nhà sinh thái học tại Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP-WCMC) và Piero Visconti, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu Đa dạng sinh học, Sinh thái và Bảo tồn tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) – thực hiện.

Cá thể hổ Mã Lai. Hình ảnh: Tambako the Jaguar/ Flickr (CC BY-ND 2.0)

Kết quả cho thấy có 6 mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học được đề cập trong nghiên cứu là nông nghiệp, biến đổi khí hậu, săn bắt và bẫy, các loài xâm lấn, khai thác gỗ và ô nhiễm. Trong đó, nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài lưỡng cư, động vật có vú và chim trên cạn cộng lại trong khi săn bắt và đánh bẫy là mối đe dọa phổ biến nhất đối với các loài chim và động vật có vú trên cạn.

Đáng chú ý là cả 6 mối đe dọa đều đang xảy ra với tỷ lệ phổ biến cao ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại các đảo Sumatra và Borneo cũng như Madagascar.

Ngoài ra, có những những khu vực rộng lớn trên toàn cầu, động vật có hơn 50% cơ hội gặp phải những mối đe dọa này.

Nghiên cứu chỉ ra các khu vực ưu tiên cao để giảm thiểu mối đe dọa bao gồm: dãy Himalaya, khu vực Đông Nam Á, bờ biển phía đông của Úc, rừng khô của Madagascar, rạn nứt Albertine ở Trung Phi và dãy núi vòng cung miền Đông ở Đông Phi, rừng Guinean ở Tây Phi, rừng Đại Tây Dương ở Brazil, lưu vực sông Amazon và phía bắc dãy Andes cùng những nơi khác.

Hình từ Harfoot và cộng sự 2021: “a – f cho thấy xác suất một động vật có vú được chọn ngẫu nhiên xuất hiện trong mỗi ô 50 km x 50 km bị tác động bởi khai thác gỗ (a), nông nghiệp (b), săn bắn (c), ô nhiễm (d), các loài xâm lấn (e) và biến đổi khí hậu (f). Màu tối hơn cho thấy xác suất cao hơn. Giá trị 0 cho biết không có loài nào bị ảnh hưởng và 1.0 cho biết tất cả các loài đang đều bị ảnh hưởng. Màu xám cho biết các khu vực có ít hơn 10 loài mà xác suất tác động chưa được ước tính. g, Mối đe dọa có xác suất tác động cao nhất trong mỗi ô. Các màu tương ứng với các thang màu trong a– f . h , Sự thay đổi của các ước tính được tính toán bằng cách lấy lại mẫu các mối đe dọa của từng loài trên cơ sở tỷ lệ các loài thiếu dữ liệu trong một ô nhất định”.

“Mặc dù có các cảm biến phổ biến và công nghệ tiên tiến, chúng ta vẫn biết rất ít về vị trí và cường độ chính xác của một số mối đe dọa quan trọng nhất đối với các loài như săn bắt và bẫy cũng như sự hiện diện của các loài xâm lấn”, Visconti nhấn mạnh.

Visconti cho rằng các nghiên cứu trên thực địa là không thể thay thế được nhưng cũng có thể tiêu tốn nhiều nguồn lực khiến chúng khó thực hiện ở quy mô lớn. “Phân tích này là bước đầu tiên quan trọng có thể giúp định hướng hiệu quả các đánh giá của địa phương về các mối đe dọa cụ thể đối với đa dạng sinh học trên cạn và bắt đầu xác định các giải pháp phù hợp nhất cho địa phương“.

Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 15 (COP15) và Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) sẽ họp trong năm tới. Tại đây, các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định dự kiến ​​sẽ thảo luận và thông qua các kế hoạch toàn cầu như “khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” để giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học nhanh chóng. Phần lớn các mục tiêu đa dạng sinh học trước đây do CBD đặt ra đều không đạt được.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiên nhiên toàn cầu và 10 năm tới là thời điểm quan trọng để thực hiện các hành động quyết định nhằm giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học”, Hartfoot kêu gọi.

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết được đề cử
Close
Back to top button