Thời tiền sử

Bò sát khổng lồ từng là thức ăn của cá mập cổ

 Nghiên cứu mới cho hay, khoảng 85 triệu năm trước, trong vùng nước nông của đại dương, một đàn cá mập trắng khổng lồ đã tranh giành xác một con bò sát khổng lồ thuộc loài plesiosaur cổ.

Trong cuộc hỗn chiến vì thức ăn ấy, có vẻ như một vài chiếc răng của cá mập đã bị gãy và cắm vào xương con plesiosaur. Toàn bộ các hiện vật kể trên được một học sinh trung học Nhật Bản tìm thấy vào năm 1968. Nhiều hóa thạch răng cá mập khác cũng được phát hiện gần những chiếc xương. Mãi đến gần đây các nhà cổ sinh vật học mới tiến hành khảo sát và mô tả chi tiết những hóa thạch này một cách khoa học.

 

Các kết quả khảo sát tiết lộ thông tin về nguồn thức ăn của cá mập cổ đại, chi tiết sẽ được công bố trên tờ Journal of Vertebrate Paleontology số ra sắp tới. Và mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng con bò sát khi ấy đã chết, nhưng cũng có thể đàn cá mập đã tấn công một con Futabasaurus suzukii già đang bị thương nhưng vẫn còn sống.

 

Phác họa hình ảnh loài bò sát biển cổ đại mang tên plesiosaur ở châu Nam Cực. Loài plesiosaur được miêu tả trên tờ Journal of Vertebrate Paleontology số ra sắp tới với 4 vây bơi và chiếc cổ rất dài. (Ảnh: Nicolle Rager, Quỹ tài trợ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ)

 

Kenshu Shimada, nhà khoa học đến từ đại học DePaul, Chicago, đồng thời là cán bộ Viện bảo tàng Lịch sử Sternberg tại Hays, Kansas phát biểu: “Tôi không loại trừ khả năng đây là cuộc tấn công một con vật sống do chúng tôi không rõ con mồi đã chết như thế nào. Cũng có thể khi đó con plesiosaur đang bị ốm hay bị thương, và lũ cá mập chớp cơ hội làm thịt nó.”

 

Nhóm suzukii

 

F. suzukii là một nhóm plesiosaur cổ dài, có bốn vây như mái chèo dùng đẩy bơi trong nước đại dương. Chúng sống vào kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng. Shimada ước tính nhóm sinh vật này có chiều dài khoảng 7m tính từ mũi tới đuôi.

 

Shimada cùng các đồng nghiệp đã đưa ra một giả thuyết hợp lý từ việc xem xét các bằng chứng hóa thạch cùng lối sống của cá mập ngày nay.

 

Bằng chứng hóa thạch thu được gồm 87 chiếc răng cá mập, trong đó 5 chiếc tìm thấy lẫn trong xương của con plesiosaur. Tất cả số răng này đều thuộc về loài cá mập mang tên Cretalamna appendiculata có dáng thuôn dài giống như mập trắng mặc dù nhỏ hơn đôi chút. (Loài C. appendiculata khi trưởng thành có thể đạt chiều dài 2 – 4 m, trong khi cá mập trắng khổng lồ dài tới 7m). Trước nghiên cứu này, các nhà khoa học phỏng đoán rằng loài cá mập này thường kiếm ăn bằng cách tấn công cá bé với những chiếc răng sắc, nhọn của chúng.

 

 

 

Hơn 80 chiếc răng của cá mập cổ được tìm thấy cùng hóa thạch xương của một loài bò sát biển đã tuyệt chủng. 5 chiếc răng nằm lẫn trong xương của bò sát: 1 chiếc bên trong xương sống (bên trái) và một chiếc trong xương chân trước phải (bên phải). (Ảnh: Kenshu Shimada.)

 

“Có thể cá từng là thức ăn của cá mập cổ,” Shimada nói. “Nhưng ít nhất, những hóa thạch này cho thấy plesiosaur cũng là một loại thức ăn.”

 

Răng cá mập trong khảo sát lần này là của ít nhất 6 đến 7 con C. appendiculata khác nhau, trong đó một vài con đã trưởng thành và một vài con còn nhỏ.

 

Điều gì đã xảy ra với răng cá mập?

 

Nếu như vụ “làm thịt” những con plesiosaur này xảy ra ở tầng nước bề mặt, thì hẳn xương đã bị trôi dạt khắp nơi. Nhưng có vẻ thực tế không diễn ra như vậy.

 

“Bộ xương vẫn còn rất nguyên vẹn. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng thời gian từ lúc con mồi chết cho tới khi nó bị chôn vùi trong lớp trầm tích là tương đối ngắn, nhiều nhất chỉ vài tháng,” Shimada nói.

 

Shimada nói thêm: “Với hóa thạch răng thu được từ nhiều cá thể cá mập khác nhau, có vẻ như đây là một cuộc tấn công tập thể.”

 

Theo bài viết trên tờ Journal of Vertebrate Paleontology,khoảng 85 triệu năm trước, một nhóm cá mập đã bị rụng mất vài chiếc răng trong một cuộc hỗn chiến tranh giành xác của một con bò sát biển cổ đại. Hơn 80 chiếc răng cá mập được tìm thấy cùng hóa thạch xương bò sát. (Ảnh: Kenshu Shimada.)

 

Ông đoán rằng răng cá mập đã cắm phập vào để xẻ thịt con plesiosaur, và một vài chiếc lung lay bị giữ lại trong các mô mềm của con mồi. Những mô này phân hủy theo thời gian, để lại răng cá mập nằm rải dọc theo bộ xương.

 

Sau khảo sát này, Shimada mong có cơ hội thu thập thêm bằng chứng về các mối quan hệ dinh dưỡng – loài nào ăn thịt loài nào – của kỷ Phấn Trắng. “Một trong những mục tiêu của tôi là cố gắng tái hiện lại lưới thức ăn trong đại dương ở thời đại khủng long.”

 

Kết quả nghiên cứu đã được trình bày tuần trước trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Cổ sinh vật học Xương sống tại Bristol.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết được đề cử
Close
Back to top button